Nền tảng nguyên tắc của Luật Hôn nhân Gia đình tại Việt Nam

Hôn nhân và gia đình là những hiện tượng xã hội phát sinh trong quá trình phát triển của xã hội loài người, biểu hiện những quan hệ mang tính tự nhiên. Cũng như những hiện tượng xã hội khác, hôn nhân gia đình chịu sự tác động có tính quyết định bởi các điều kiện kinh tế – xã hội. Lịch sử xã hội loài người đã chứng kiến quá trình phát sinh, thay đổi những hình thái hôn nhân và gia đình. Đó là quá trình vận động tất yếu trên cơ sở sự phát triển của các điều kiện kinh tế – xã hội. Từ khi trong xã hội có Nhà nước, sự liên kết của các cá nhân nhằm xây dựng gia đình được coi là sự kiện pháp lý làm phát sinh những quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình. Quan hệ hôn nhân và gia đình không chỉ đơn thuần thể hiện ý chí của Nhà nước. Nhà nước dùng pháp luật điều chỉnh những quan hệ hôn nhân và gia đình. Quan hệ hôn nhân và gia đình không chỉ đơn thuần thể hiện ý chí của các cá nhân mà còn mang ý chí của Nhà nước dùng pháp luật điều chỉnh những quan hệ hôn nhân và gia đình, hướng cho những quan hệ này phát sinh, thay đổi hay chấm dứt đều không bất lợi cho Nhà nước và cho xã hội. Trong những chế độ xã hội khác nhau có các chế độ hôn nhân và gia đình khác nhau.

Ở Việt nam, sau khi hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đi theo con đường chủ nghĩa xã hội. Đảng và Nhà nước đã thể hiện rõ quan điểm của mình trong việc xây dựng những quan hệ xã hội theo xu hướng tiến bộ. Xuất phát từ cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về hôn nhân và gia đình tiến bộ, những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình xã hội chủ nghĩa được hình thành trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trước đây và nó trở thành nền tảng của mọi chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ. Ở nước ta, trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, nhiệm vụ, mục tiêu được đặt ra là phải xóa bỏ tận gốc rễ những tàn dư, hủ tục lạc hậu do chế độ hôn nhân và gia đình phong kiến để lại, chống lại những ảnh hưởng tiêu cực của hôn nhân và gia đình tư sản, đồng thời xây dựng những quan hệ hôn nhân và gia đình mới xã hội chủ nghĩa. Trong những giai đoạn khác nhau, Đảng và nhà nước có những chủ trương, chính sách về hôn nhân và gia đình phù hợp, nhằm tập trung thực hiện những nhiệm vụ và mục tiêu nói trên. Pháp luật hôn nhân và gia đình là sự cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng về hôn nhân và gia đình với mục tiêu của chủ nghĩa xã hội nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội. Quan điểm của Đảng về việc xây dựng gia đình xã hội chủ nghĩa không phải là một mô hình chung chung, mà mang những nội dung cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam. Những quan điểm này là tư tưởng chỉ đạo quá trình xây dựng pháp luật hôn nhân và gia đình ở Việt Nam.

 

Post Author: admin